Tập huấn đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử và livestream bán hàng trực tuyến cho nông đân.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc chủ động tìm hướng kết nối, bán sản phẩm qua các kênh online, sàn thương mại điện tử (TMĐT) là việc làm hết sức quan trọng. Chị Hoàng Thị Thủy, xã Cò Nòi (Mai Sơn) có 2 ha trồng cây ăn quả, cho biết: Nhờ biết livestream và giới thiệu các sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT, gần một nửa số nông sản của gia đình đã được bán thông qua mạng xã hội. Việc quảng bá trực tuyến các loại quả như: xoài, nhãn, bưởi tại vườn giúp cho khách hàng vừa có thể tham quan vườn cây ăn quả đang kỳ thu hoạch, lại có thể tin tưởng vào chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm.
Với chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo việc lưu thông hàng hóa. Ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã cung cấp thông tin giá cả thị trường trên zalo gửi đến các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn; Sở Công Thương tổ chức các hội nghị tập huấn ứng dụng thương mại điện tử và hỗ trợ kết nối phân phối sản phẩm của tỉnh qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn TMĐT; triển khai sự kiện “Ngày đặc sản Sơn La” trên gian hàng Việt tại sàn Sendo. Hỗ trợ xây dựng Website thương mại điện tử cho 10 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và hỗ trợ phần mềm quản lý hoạt động kinh doanh cho 3 đơn vị, doanh nghiệp. Hiện, toàn tỉnh đã có 35 sản phẩm hàng hóa, nông sản chế biến, nông sản quả tươi được giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử với sản lượng tiêu thụ qua các sàn khoảng trên 100 tấn.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh và Bưu điện tỉnh đã phối hợp với đại diện các sàn thương mại điện tử trực tiếp hướng dẫn các hộ sản xuất, HTX và doanh nghiệp đăng ký tài khoản, cách thức vận hành và các ứng dụng trên sàn TMĐT Postmart.vn. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất cũng được hỗ trợ hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, kỹ năng livestream bán hàng trên mạng xã hội để chủ động hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mở thêm đầu ra mới bền vững cho các mặt hàng nông sản.
Ông Hoàng Đình Hiệp, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Sơn La, cho biết: Sau hơn 3 tháng triển khai, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, Bưu điện tỉnh đã tạo thành công hơn 20.000 tài khoản cho người nông dân và tiêu thụ được hơn 50 tấn nông sản các loại.
Chị Nguyễn Thị Điệp, bản Văn Minh, xã Mường Bú (Mường La), chia sẻ: Gia đình tôi có 2 ha táo đại, sản lượng khoảng 30 tấn, việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19. Được Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) tập huấn về nền tảng kinh doanh số, kỹ năng livestream bán hàng, tôi đã tự tin hơn đứng trước màn hình giới thiệu các sản phẩm do chính tay mình làm ra lên mạng xã hội, cũng như phương thức canh tác, thời gian thu hoạch, cách thức vận chuyển và đặt hàng... Sau vài lần tự livestream, tôi đã có thêm rất nhiều khách hàng mới trên khắp cả nước gọi điện đến đặt vấn đề kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Phương thức tiêu thụ trực tuyến trên sàn điện tử và mạng xã hội là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất cho các mặt hàng nông sản của địa phương. Ông Nghiêm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, cho biết: Trung tâm tiếp tục phối hợp với các địa phương, ngành chức năng đẩy mạnh việc bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn các hộ sản xuất những kỹ năng cần thiết để đưa hàng nông sản lên các sàn thương mại điện tử; kết nối, tăng số lượng các sàn thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản.
Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhất là việc người dân đã chủ động tìm hướng kết nối, bán sản phẩm qua các kênh online, sàn giao dịch TMĐT không chỉ giúp giải tỏa ách tắc trong tiêu thụ nông sản mùa dịch, mà được kỳ vọng sẽ trở thành kênh chiến lược để phát triển thị trường nông sản Sơn La vươn xa ra thị trường thế giới.