Thành phố Quảng Ngãi tạo sinh kế cho người dân vùng ven

Thứ ba, 31/12/2024 - 09:17

Hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình; thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể... là những giải pháp được TP.Quảng Ngãi triển khai thực hiện đồng bộ để giảm nghèo bền vững tại các xã vùng ven.

Đồng hành cùng hộ nghèo

Ông Phan Tấn Giọng, ở thôn Trường Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), là 1 trong 9 hộ nghèo, cận nghèo của xã được hỗ trợ bò cái lai Zebu từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2023.

Trong niềm vui và xúc động, ông Giọng cho hay, kể từ khi được Nhà nước hỗ trợ bò giống, vợ chồng tôi có thêm sinh kế mới để vươn lên làm ăn. Bởi lâu nay, thu nhập của gia đình khá bấp bênh, chỉ trông chờ vào chừng 200m2 trồng rau màu, nên không có vốn liếng để đầu tư phát triển kinh tế. “Bò giống mà Nhà nước hỗ trợ là bò đã trưởng thành, có giá trị lên đến hơn 28 triệu đồng/con. Vì vậy, người dân chúng tôi đỡ tốn thời gian chăm sóc. Mới hỗ trợ cuối năm 2023 mà năm nay bò đã chuẩn bị sinh sản”, ông Giọng chia sẻ.

Thành phố Quảng Ngãi tạo sinh kế cho người dân vùng ven - Ảnh 1.

Nhu cầu thị trường lớn

Giám đốc HTX Thương mại- Dịch vụ chăn nuôi dê Tịnh An Nguyễn Đình Tâm chia sẻ, tôi quyết tâm thành lập HTX là để thu hút thêm thành viên cùng chung chí hướng để phát triển, mở rộng quy mô sản xuất. Bởi trước đây, tôi cùng anh trai nuôi dê, mỗi năm cung ứng cho thị trường chừng 700 - 800 con dê thịt với trọng lượng bình quân từ 35 - 40 kg/con, trong khi đó nhu cầu của thị trường toàn tỉnh lên đến 5.000 - 6.000 con dê thịt/năm.

Tận dụng tiềm năng, thế mạnh tại các xã vùng ven là diện tích đất nông nghiệp nhiều, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp cao, TP.Quảng Ngãi tập trung hỗ trợ bò cái lai cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo các xã vùng ven. Qua đó, vừa giúp người dân giảm nghèo, nâng cao thu nhập, vừa góp phần phát triển đàn bò tại địa phương từ 26,7 nghìn con (năm 2023) đạt mục tiêu 26,8 nghìn con (năm 2025). Đây cũng là hướng hỗ trợ phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 của tỉnh.

Tại xã Nghĩa Hà, từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023, địa phương đã hỗ trợ 39 hộ dân phát triển mô hình chăn nuôi bò lai. Trọng lượng mỗi con bò giống mà địa phương hỗ trợ cho người dân đạt bình quân khoảng 220kg/con. Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 2,1 tỷ đồng. Trong đó, vốn do Nhà nước hỗ trợ gần 995 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của người dân.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và một số chương trình, dự án khác, năm 2022 và 2023, xã Tịnh Châu hỗ trợ 34 hộ dân phát triển mô hình chăn nuôi bò lai Zebu. Tổng kinh phí thực hiện mô hình gần 1,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn do Nhà nước hỗ trợ gần 800 triệu đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Châu Võ Quang Luận, nhiều năm qua, việc hỗ trợ mô hình sinh kế cho người nghèo, cận nghèo theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đều được địa phương đưa ra lấy ý kiến của người dân. Phần lớn người dân đều lựa chọn mô hình nuôi bò lai sinh sản, vì mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với tình hình địa phương. Việc hỗ trợ trực tiếp bò lai sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo đã tác động tích cực đến công tác giảm nghèo của xã, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Đến cuối năm 2023, hộ nghèo của xã còn 26 hộ, chiếm 1,61%; hộ cận nghèo 67 hộ, chiếm 4,14%.

Hướng đến giảm nghèo bền vững

Cùng với hỗ trợ mô hình sinh kế bò lai sinh sản cho người dân vùng ven để thúc đẩy giảm nghèo, TP.Quảng Ngãi còn khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế tập thể, liên kết với nhau trong phát triển kinh tế. Từ đó, tạo thành những “hạt nhân” của kinh tế nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo.

Để thúc đẩy người dân liên kết, mở rộng quy mô sản xuất gừng - một loại cây trồng truyền thống của địa phương, năm 2022, Hội LHPN xã Tịnh Ấn Đông thành lập Tổ liên kết trồng gừng trên đất đồi, gồm 6 thành viên. Năm 2024, Hội Nông dân xã Tịnh Ấn Đông tiếp tục thành lập Chi hội Nghề nghiệp trồng gừng, với 30 thành viên tham gia.

Gần 2 năm kể từ khi tham gia tổ liên kết, bà Nguyễn Thị Hiền, ở xã Tịnh Ấn Đông vui mừng chia sẻ, tôi có 15 sào trồng gừng, cộng với diện tích trồng gừng của 5 thành viên còn lại của tổ nữa là 2ha. Hình thành tổ liên kết, chúng tôi không chỉ thuận lợi hơn trong tiêu thụ gừng, vì đã đảm bảo cung ứng được gừng với sản lượng lớn, mà còn nâng cao hiệu quả trồng trọt vì thường xuyên được tập huấn kỹ thuật và trao đổi kinh nghiệm với nhau.

“Xã có khoảng 120 hộ dân trồng gừng, với tổng diện tích hơn 13ha. Đây là cây trồng truyền thống, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, do các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ và giữ thói quen, tập quán canh tác cũ, nên chưa tạo được thương hiệu cho sản phẩm. Vì vậy, từ hiệu quả bước đầu của mô hình Tổ liên kết trồng gừng trên đất đồi, Hội Nông dân xã thành lập Chi hội Nghề nghiệp trồng gừng để từng bước hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng thương hiệu cho cây gừng địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Ấn Đông Bùi Thanh Hà cho biết.

Sau khi ly hương đằng đẵng 21 năm tại TP.Hồ Chí Minh để mưu sinh, anh Nguyễn Tấn Cường, ở thôn Long Bàn, xã Tịnh An, quyết định trở về quê để nuôi dê theo “tiếng gọi” của hợp tác xã. “Tôi có 7 sào đất nông nghiệp, nhưng lại chọn ly hương. Vì ngày xưa, bấy nhiêu đất, mà trồng mì, bắp thì không đủ tiền chăm lo cho con cái ăn học. Năm 2022, khi nghe các anh em kêu gọi về quê tham gia hợp tác xã để nuôi dê, tôi quyết định trở về để gắn bó với nghề nông. Năm 2022 - năm đầu tiên về quê sau hơn 2 thập kỷ ly hương, tôi tham gia Hợp tác xã (HTX) Thương mại - Dịch vụ chăn nuôi dê Tịnh An. Sau đó, tôi xuất bán hơn 100 con dê thịt, lợi nhuận trên 200 triệu đồng”, anh Cường bộc bạch.

Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ chăn nuôi dê Tịnh An được thành lập năm 2022, với 8 thành viên, đều là người dân thôn Long Bàn, xã Tịnh An. Đến nay, sau gần 2 năm thành lập, HTX thu hút thêm được 3 thành viên là các hộ nông dân của xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi). Tham gia HTX, các thành viên gắn kết với nhau trong mua con giống, trao đổi kỹ thuật chăm sóc dê và được “nhạc trưởng” của HTX là anh Nguyễn Đình Tâm bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.

“Kể từ khi thành lập HTX với 11 thành viên, bình quân mỗi năm, chúng tôi nuôi tổng cộng khoảng 2.000 con dê thịt. Nhưng con số này vẫn chưa đủ cung ứng cho thị trường trong tỉnh. Vì vậy, HTX vẫn đang kêu gọi thêm các thành viên hoặc liên kết để phát triển sản xuất. Hợp tác xã ưu tiên các hộ dân trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, để cùng mở rộng quy mô chăn nuôi. Khi các hộ dân gặp khó khăn về vốn, HTX sẽ lo toàn bộ chi phí con giống ban đầu”, Giám đốc HTX Thương mại - Dịch vụ chăn nuôi dê Tịnh An Nguyễn Đình Tâm nhấn mạnh.

Ý THU

Giới thiệu doanh nghiệp

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ