Hiệu quả mô hình quỹ tín dụng nhân dân

Thứ năm, 26/12/2024 - 15:11

(QBĐT) - Thời gian qua, hoạt động của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển, khẳng định vai trò, vị trí trong lĩnh vực tiền tệ. Hiệu quả thiết thực của hệ thống này đã góp phần giải quyết nhu cầu vay vốn sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

Hiệu quả mô hình quỹ tín dụng nhân dân - Ảnh 1.

Các đơn vị QTDND trên địa bàn tỉnh đã có nhiều biện pháp tích cực để phát triển thành viên, tăng nguồn vốn đầu tư phục vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD) trên từng địa bàn. Mức tăng trưởng của lĩnh vực tín dụng cao, tất cả các đơn vị hoạt động đều có lãi. Hoạt động của các quỹ tín dụng đã khẳng định được vai trò của mình trong việc huy động nguồn vốn tại chỗ đầu tư cho SXKD, giải quyết việc làm, hạn chế việc cho vay nặng lãi, góp phần xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của từng địa phương.

Điển hình có QTDND Nhân Trạch (Bố Trạch), hoạt động trên địa bàn 2 xã Nhân Trạch và Lý Trạch. Từ nguồn vốn ban đầu 53,5 triệu đồng (năm 1996), đến nay vốn điều lệ đã tăng lên hơn 19 tỷ đồng, tổng nguồn vốn hoạt động hơn 720 tỷ, dư nợ cho vay 575 tỷ đồng, nợ xấu chỉ chiếm 0,09%... Với mục tiêu giúp người dân phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập, thời gian qua, QTDND Nhân Trạch luôn bám sát các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của các địa phương để đầu tư tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn cho khách hàng. Đơn vị tập trung vào lĩnh vực khai thác đánh bắt, nuôi trồng hải sản, dịch vụ, phát triển chăn nuôi trồng trọt và đi lao động nước ngoài; đồng thời thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, đầu tư hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ cáclĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đến thăm cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống của bà Hoàng Thị Hội, thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch, từ một hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, nhờ vay vốn từ QTDND Nhân Trạch, bà Hội đã mở rộng sản xuất, thu về hơn 400 triệu đồng/năm.Bà Hội chia sẻ, trước đây, do vốn ít nên mỗi năm bà chỉ mua vài tấn cá để sản xuất nước mắm. Nhờ chất lượng tốt, thơm ngon, sạch, nên nước mắm và ruốc của bà đã dần chinh phục được người tiêu dùng. Khoảng năm 2005, bà đã mạnh dạn vay QTDND xã Nhân Trạch 100 triệu đồng mua sắm thiết bị và mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay, mỗi năm bà Hội thu mua hơn 60 tấn cá và 70 tấn khuyếc để chế biến nước mắm và ruốc, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động và hàng chục lao động thời vụ. Ngoài vay vốn để mở rộng sản xuất, bà Hội còn được QTDND hỗ trợ vay vốn cho con trai đi xuất khẩu lao động, đóng thuyền đi biển… Giám đốc QTDNDNhân Trạch Phạm Thị Lan Oanh cho biết: Ngoài hoạt động kinh doanh, những năm qua, đơn vị còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, trong đó đã hỗ trợ xây dựng 12 nhà "Đại đoàn kết" cho các hộ nghèo neo đơn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền 50 triệu đồng/nhà; hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán; nhận đỡ đầu cho 3 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thời gian 5 năm với số tiền 90 triệu đồng. Mặc dù mới đi vào hoạt động vào cuối năm 2016 nhưng QTDND xã Phú Thủy (Lệ Thủy) cũng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu nguồn vốn cho thành viên trong SXKD, góp phần vào sự phát triển KT-XH của địa phương. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ dân có điều kiện ứng dụng mô hình sản xuất mới, tạo được việc làm, cho thu nhập ổn định. Đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động gần 92 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt gần 82 tỷ đồng. Đặc biệt, hoạt động cho vay địa bàn không phát sinh nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu 0%. Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND Phú Thủy Lê Văn Hậu cho biết: Mặc dù mô hình tổ chức tín dụng của địa phương có quy mô hoạt động nhỏ, nguồn vốn ít, nhưng đơn vị luôn đồng hành cùng với địa phương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, quyền lợi và đời sống của thành viên ngày càng được nâng cao.
Quảng Bình hiện có 24 QTDND đang hoạt động với 62.466 thành viên, 288 lao động, tổng nguồn vốn hoạt động 6.447.265 triệu đồng. Đây là lĩnh vực hoạt động khá ổn định, có hiệu quả nhất trong trong các mô hình kinh tế tập thể tại địa phương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ngô Gia Thởi cho biết thêm.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ngô Gia Thởi chia sẻ: Để phục vụ nhu cầu của người dân ngày càng tốt hơn, những năm qua, chất lượng của các QTDND cơ sở ngày càng nâng cao. Điều đó được thể hiện ở chỗ các thủ tục giao dịch tại các QTDND ngày càng đơn giản, nhanh gọn; lãi suất được điều chỉnh phù hợp theo hướng có lợi cho người dân; đội ngũ cán bộ của quỹ được đào tạo bài bản, phục vụ chuyên nghiệp. Qua thực tế hoạt động của các QTDND tại các địa phương đã chứng minh đây là mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, được đông đảo nhân dân ủng hộ, góp phần giảm nghèo, đặc biệt là giúp hạn chế đáng kể tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn. Đây được xem là một trong những hướng mở giải quyết khó khăn về vốn, thúc đẩy KT-XH phát triển, nâng cao đời sống cho người dân.
Thanh Hoa

Thanh Hoa

Giới thiệu doanh nghiệp

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ