Hoạt động NHCSXH tỉnh Nghệ An tại các Điểm giao dịch xã |
Trong thành quả đó, phần đóng góp của NHCSXH rất quan trọng. Theo báo cáo, tổng nguồn vốn do NHCSXH tỉnh đang quản lý là 8.011 tỷ đồng, tăng 259 tỷ đồng so với cuối năm 2018. Tổng dư nợ đạt trên 7.995 tỷ đồng, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng lên, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,14% tổng dư nợ. NHCSXH tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể để đưa vốn đến từng hộ nghèo thông qua 480 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn. Đáng kể, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, chính quyền các cấp đã trích ngân sách bổ sung ủy thác để cho vay các chương trình giảm nghèo đặc thù của địa phương là 99 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH đến 161 tỷ đồng.
Nhiều năm qua, nguồn vốn từ NHCSXH phủ khắp xứ Nghệ - nơi có diện tích lớn nhất nước với 16.493km
2
và 21 đơn vị hành chính cấp huyện, 480 đơn vị xã, phường, thị trấn. Đặc biệt trong vòng 3 tháng đầu năm 2019, NHCSXH huyện, thị xã, thành phố đã chuyển tải kịp thời 760 tỷ đồng về đúng địa chỉ cho 19.512 hộ nghèo và các đối tượng chính sách từ trên rẻo cao Kỳ Sơn, Quế Phong, trong vùng sâu, vùng xa Tương Dương, Nghĩa Đàn, đến ngoài miền biển Quỳnh Lưu, Nghi Lộc…
Tại phiên họp thường kỳ quý I/2019 của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh khẳng định: Tăng trưởng dư nợ hằng năm liên tiếp cùng việc giải ngân nhanh vào thời gian mới đây của NHCSXH có ý nghĩa tác động rất lớn đối với việc thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh việc duy trì, đổi mới mọi hoạt động giao dịch tại xã nhằm phục vụ khách hàng tiện ích hơn, NHCSXH tỉnh Nghệ An thường xuyên quan tâm, tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể xây dựng mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn trải rộng khắp thôn, bản gần xa, đồng thời đẩy mạnh củng cố, kiện toàn những Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động kém hiệu quả. Nhờ đó, đến nay, trên xứ Nghệ rộng lớn có 7.571 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động ổn định, trong đó có 98,2% tổ được xếp loại khá tốt, vừa hoàn thành nhiệm vụ đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi đúng cam kết, góp phần cho nguồn vốn chính sách ngày càng được kiểm soát chặt chẽ, nâng cao chất lượng.
Từ nét nổi bật về nguồn vốn tăng nhanh và chất lượng tín dụng nâng cao của NHCSXH mà người nghèo và các đối tượng chính sách ở Nghệ An được hưởng lợi nhiều, có thêm điều kiện chủ động SXKD, thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Thông qua các chương trình tín dụng chính sách, chỉ riêng các huyện 30a, các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi, vùng bãi ngang ven biển ở Nghệ An trong năm qua được ưu tiên đầu tư bổ sung hơn 600 tỷ đồng để thực hiện thành công 12 dự án chăn nuôi bò lai sind, thâm canh rau củ quả sạch, nhân rộng hàng trăm mô hình trồng rừng, trồng chè nguyên liệu. Đặc biệt, nguồn vốn chính sách như “luồng gió” mới khích lệ nông dân khắp 3 vùng sinh thái (miền núi, đồng bằng, ven biển) xứ Nghệ tập trung phát triển sản xuất nông nghệp hàng hóa, xây dựng mô hình kinh tế gia trại, trang trại, đạt cao, đơn cử như vườn cây chanh leo 2,5ha và trại gà đen 800 con của gia đình chị Vi Thị Duyên ở xã Tri Lễ, huyện nghèo 30a Quế Phong hằng năm thu lãi đến 300 triệu đồng. Tương tự, vợ chồng ông Nguyễn Văn Giáp ở phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò đã sử dụng vốn vay chính sách đầu tư nuôi 12 lồng cá giữa sông lạch cửa biển, trở lên giàu có, xây được nhà 3 tầng khang trang.
Với chàng trai người dân tộc Mông 30 tuổi Xồng Bá Dênh mới ngày nào còn nằm cuối bảng danh sách hộ nghèo của xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn nhưng hiện nay đã là ông chủ của một mô hình ăn nên làm ra bên dãy Trường Sơn, trên vành đai biên giới Việt Lào. Với 100 triệu vốn vay từ NHCSXH và nguồn quỹ hỗ trợ thanh niên, Xồng Bá Dênh đã mạnh dạn đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản nhốt chuồng. Nhờ chăm sóc, phòng bệnh chu đáo và chủ động nguồn thức ăn dự trữ, việc chăn nuôi của anh gặp thuận lợi phát triển thành đàn trâu, bò thành 21 con, thu nhập bình quân 250 triệu đồng/năm. “Nguồn vốn chính sách giúp người dân vùng biên giới và gia đình tôi xây dựng, phát triển mô hình kinh tế”, Xồng Bá Dênh tâm sự.
Còn ở Nghi Long, một trong 5 xã bãi ngang ven biển huyện Nghi Lộc, có phong trào nông dân sôi nổi tham gia vay vốn sử dụng vốn chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nuôi trồng, đánh bắt hải sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó phải kể đến mô hình kinh tế của hộ gia đình anh Nguyễn Viết Hồng ở xóm 14 và hộ chị Lương Thị Toan, xóm 13 đã cải tạo những thửa đất ruộng cấy lúa năng suất thấp thành cánh đồng trồng rau củ quả theo công nghệ sinh học, thoát cảnh nghèo khó, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương.
Những năm qua, NHCSXH tỉnh Nghệ An thực sự trở thành địa chỉ tin cậy, làm động lực quan trọng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống. Bên cạnh những đạt được, NHCSXH tỉnh Nghệ An tiếp tục tập trung tăng trưởng nguồn vốn, nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt thực hiện toàn diện, hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng, tích cực tham gia phong trào “Chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau”, gắn hoạt động tín dụng chính sách với chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.