Quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động

Thứ hai, 30/12/2024 - 11:23

Nhằm duy trì và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động (NLĐ), các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm (GQVL), đa dạng hình thức kết nối cung - cầu lao động, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ; góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Góp phần GQVL cho lao động địa phương, Trung tâm Dạy nghề Minh Tiến, thị trấn Tam Hồng (Yên Lạc, Vĩnh Phúc ) chủ động đổi mới công tác đào tạo, đa dạng các ngành, nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của học viên và yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động; hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn…

Từ đầu năm đến nay, trung tâm mở 13 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng thu hút hơn 200 học viên tham gia.

Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Minh Tiến Nguyễn Thị Kim Oanh cho biết: "Công tác đào tạo nghề ở trung tâm luôn được thực hiện theo phương châm “Cầm tay chỉ việc”, kết hợp song song giữa dạy lý thuyết và hướng dẫn học viên thực hành trên các thiết bị, máy móc, đồng thời phổ biến tới học viên quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, xây dựng tác phong công nghiệp…

Bên cạnh đó, trung tâm có 1 xưởng may công nghiệp giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động, đồng thời liên kết sản xuất và cung ứng sản phẩm cho một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như Công ty cổ phần may Kim Nguyễn, Xí nghiệp thủ công mỹ nghệ Vân Anh… giúp học viên có thêm thu nhập trong quá trình học nghề. Kết thúc khóa đào tạo, khoảng 95% học viên có việc làm ổn định với mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng".

Quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động - Ảnh 1.

Đẩy mạnh GQVL, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và NLĐ, bên cạnh việc thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ, số hóa trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động…

Website vieclamvinhphuc.gov.vn do trung tâm quản lý được nâng cấp, đổi mới giao diện theo hướng tinh gọn, dễ nhìn; thường xuyên đăng tải, cập nhật các thông tin về tình hình lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp; các chương trình du học, xuất khẩu lao động; hướng dẫn NLĐ cách viết hồ sơ xin việc, kỹ năng ứng tuyển, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng…

Trung bình mỗi ngày, website của trung tâm ghi nhận hơn 1.000 lượt truy cập. Thông qua website, các doanh nghiệp có thể tự đăng tin tuyển dụng miễn phí; NLĐ có thể trực tiếp đăng tải hồ sơ ứng tuyển của mình.

Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Đặng Phú Xuyên cho biết: "Để vận hành hiệu quả website, giúp doanh nghiệp và NLĐ dễ dàng tiếp cận, kết nối, trung tâm chú trọng đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời bố trí cán bộ, nhân viên trực website và tổng đài điện thoại 24/24h để kịp thời tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ trong suốt quá trình tuyển dụng và tìm kiếm việc làm.

Việc đẩy mạnh số hóa, ứng dụng chuyển đổi số trong tư vấn, giới thiệu việc làm đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhất là trong giai đoạn hiện nay, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ, đảm bảo nhu cầu về nhân lực, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp".

Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu GQVL mới cho 17.000 lao động. Để hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu GQVL cụ thể cho các huyện, thành phố.

Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới NLĐ các cơ chế, chính sách hỗ trợ GQVL của Đảng và Nhà nước; thông tin kịp thời tới NLĐ tình hình thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong nước cũng như các chương trình đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tăng cường kết nối với các địa phương lân cận trong tuyển chọn, cung ứng lao động, tỉnh đã ký biên bản hợp tác với các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La… để khai thác nguồn lao động ngoại tỉnh.

Công tác đào tạo nghề được đổi mới theo hướng gắn với nhu cầu của người học, yêu cầu của thị trường lao động và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Các chính sách hỗ trợ GQVL, cho vay GQVL từ Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn vốn của tỉnh ủy thác tiếp tục được đẩy mạnh. Thực hiện Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh quy định chính sách vay vốn GQVL cho NLĐ và hỗ trợ một số chi phí đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng cho hơn 670 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hơn 160 NLĐ được vay hơn 17 tỷ đồng để tạo việc làm tại chỗ và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, tính đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh GQVL cho gần 18.700 lao động, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2023; vượt 9,8% kế hoạch năm 2024. Dự kiến năm 2024, toàn tỉnh GQVL cho hơn 19.000 lao động, ước vượt hơn 11% kế hoạch năm.

Thực hiện tốt công tác GQVL, nâng cao chất lượng cuộc sống cho NLĐ, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới NLĐ cơ chế, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề gắn với GQVL; tăng cường chuyển đổi số, đa dạng hóa hình thức kết nối cung - cầu lao động; đổi mới toàn diện công tác đào tạo nghề, tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp để đào tạo nghề gắn với GQVL…/.

Phương Anh

Giới thiệu doanh nghiệp

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ