Mùa này về xã Tân Linh, dọc hai bên đường là những nương chè xanh uốn lượn theo các sườn đồi, xa xa là những vườn cây ăn quả tươi tốt. Xã hiện có tổng diện tích chè là 599ha với sản lượng chè 135 tạ/ha/năm. Trên địa bàn xã có 5 làng nghề chè, trong đó có 1 Làng nghề chè truyền thống, 4 Làng nghề chè khác, gồm: 2 HTX, 22 tổ hợp tác, phê duyệt 2 vùng sản xuất chè tập trung.
Cây chè được trồng ở xã Tân Linh đã từ lâu, quá trình trồng, chăm sóc và chế biến chè, người dân luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của cán bộ Khuyến nông hướng dẫn từ khâu trồng, đốn, tỉa cành, đến bón phân, thu hái, bảo quản sản phẩm...
Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, cây chè ở Tân Linh được xác định là cây trồng triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình sản xuất chè đã tạo sự nhận thức, chuyển biến tích cực của người dân từ việc canh tác, sản xuất-kinh doanh theo lối truyền thống sang áp dụng khoa học kỹ thuật; gắn sản xuất-kinh doanh với bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và có tính thị trường, tăng cao thu nhập, định hướng phát triển bền vững.
Chúng tôi ghé thăm gia đình chị Trần Thị Liên, Xóm 10, xã Tân Linh, là 1 trong 72 hộ nghèo của xã Tân Linh được nhận phân bón thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, Dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Chị Liên bộc bạch: Nhận thấy cây chè rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi dần những diện tích đất đồi trồng cây kém hiệu quả sang trồng chè tập trung.
Bên cạnh đó, gia đình tôi còn được cán bộ huyện, xã đến vận động tham gia mô hình trồng thí điểm cây chè; được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng và chăm sóc. Đến nay, cây chè cho thu hoạch ổn định, sản lượng trung bình mỗi lứa thu được trên 5 tạ chè búp tươi. Từ trồng chè, mỗi năm gia đình chị có nguồn thu nhập tốt hơn, cuộc sống của gia đình đã dần ổn định, từng bước thoát nghèo.
Còn đối với bà Lê Thị Súng, ở xóm 10 (xã Tân Linh, huyện Đại Từ), gia đình bà Súng trồng hơn 4 sào chè, mỗi lứa thu được từ 3,5 tạ chè, bán với giá khoảng 23.000 đồng/kg chè tươi.
Bà Súng chia sẻ: Được sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình tôi được hỗ trợ 8,5 tạ phân bón, qua đó giúp cho cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất và sản lượng chè tăng, số lứa hái chè đạt bình quân 8-9 lứa/năm, áp dụng vào sản xuất chè vụ đông có giá trị kinh tế cao, giá bán sản phẩm chè tăng trung bình từ 20.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg chè búp tươi, sản xuất chè đông có thể đạt tới 40.000 - 60.000 đồng/kg chè búp tươi, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định hơn”.
Những thành công trong phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và cây chè nói riêng đang tạo động lực trong quá trình xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn. Đến nay, tỉ lệ hộ nghèo của xã Tân Linh đã giảm từ 7,1% năm 2023 xuống còn 4,4% năm 2024, hộ cận nghèo giảm từ 7,54% xuống còn 5,4%.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đại Từ khẳng định: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, các sở, ngành của tỉnh; Huyện ủy, Hội đồng nhân dân huyện và sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn trong việc tham mưu cho UBND huyện triển khai thực hiện nên đã đạt được những kết quả nhất định. UBND huyện luôn chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn, kế hoạch để triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời, đồng bộ và theo đúng quy định.
Trong thời gian tới, để Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững thực sự hiệu quả và đạt được những kết quả nhất định, Phòng Lao động và Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện, để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và Nhân dân cùng tham gia vào Chương trình giảm nghèo.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, quán triệt đầy đủ đến các ngành, các cấp và cộng đồng dân cư, nhất là người nghèo, hộ nghèo về quan điểm chỉ đạo và nội dung Chương trình giảm nghèo của huyện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo; thực hiện các chuyên mục thông tin tuyên truyền phổ biến các mô hình, các cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả về giảm nghèo và kết quả hoạt động của chương trình; giáo dục ý thức tự lực vươn lên, không ỷ lại. Thông qua đó nâng cao trách nhiệm về công tác giảm nghèo cho toàn xã hội.
Ngoài ra, huyện cũng tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo; nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều của Chính phủ (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin, việc làm).
Huy động mọi nguồn lực phục vụ cho công tác giảm nghèo với phương châm Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân thực hiện. Huy động từ các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình giảm nghèo thông qua hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá chương trình tại các cấp nhằm nắm được tiến độ kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách và giải pháp hỗ trợ người nghèo đồng thời thấy được mức độ phù hợp, tính hiệu quả của Chương trình.