Minh Long: Nỗ lực giảm nghèo về thông tin

Thứ năm, 26/12/2024 - 15:19

(Báo Quảng Ngãi)- Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, thiếu hụt thông tin là một trong 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Vì vậy, những năm qua, huyện Minh Long đã nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, để từng bước khắc phục tình trạng thiếu hụt thông tin, nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo.

Minh Long: Nỗ lực giảm nghèo về thông tin - Ảnh 1.

Giảm nghèo về thông tin là một trong 2 tiểu dự án của dự án 6 “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin”, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó, đảm bảo hiệu quả công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.

Mở hướng thoát nghèo

Năm 2023, huyện Minh Long giảm 231 hộ nghèo (4,4%); thu nhập bình quân trên 35 triệu đồng/người/năm. Trên địa bàn huyện không còn người có công với cách mạng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết, có được kết quả trên là nhờ người dân tiếp cận các thông tin về chính sách, cũng như học hỏi kiến thức, ứng dụng những mô hình sản xuất hiệu quả. Người dân ngày càng thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chủ động vươn lên thoát nghèo.

Đơn cử như gia đình anh Đinh Văn Biên, ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai. Trước đây, gia đình anh Biên cũng như nhiều hộ khác trong thôn, sản xuất bấp bênh, cuộc sống khó khăn. Qua nhiều lần tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật do địa phương tổ chức, cộng với tiếp cận và học hỏi nhiều thông tin bổ ích từ đọc báo, nghe đài, xem ti vi nên anh Biên nỗ lực xây dựng và phát triển mô hình chăn nuôi để thoát nghèo.

Anh Biên cho biết, trước kia tôi chưa nắm bắt được nhiều thông tin nên sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo kiểu thích là làm, không tìm hiểu đầy đủ thông tin thị trường cũng như kỹ thuật, dẫn đến năng suất và chất lượng thấp, thường xuyên thua lỗ. Sau đó, tôi áp dụng những kiến thức chăn nuôi bổ ích đã học hỏi qua mạng, sách báo như: Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ; mùa mưa không chăn thả trâu, bò và tận dụng các loại phụ phẩm trong trồng trọt để chế biến thức ăn và dự trữ; chuồng trại xây dựng đảm bảo “mát mùa hè, ấm mùa đông".

Nhờ đó, đàn gia súc phát triển khỏe mạnh, không mắc các loại dịch bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ học hỏi kinh nghiệm sản xuất, anh Biên còn tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm thông qua mạng xã hội, nên việc tiêu thụ nông sản thuận lợi, bán giá cao hơn.

"Huyện sẽ tiếp tục triển khai toàn diện công tác truyền thông giảm nghèo về thông tin đến người dân, đảm bảo đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy vai trò của 37 tổ công nghệ số cộng đồng trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng thông minh trên điện thoại, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công, góp phần tham gia thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Qua đó, giúp người dân, nhất là người nghèo chủ động hơn trong tiếp cận, thụ hưởng các chính sách, cơ chế giảm nghèo, an sinh xã hội cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo bền vững”.

Chủ tịch UBND huyện Minh Long
ĐINH VĂN ĐIẾT

Xác định vai trò của thông tin trong công tác giảm nghèo, từ năm 2022 đến nay, Phòng VH-TT huyện Minh Long triển khai thực hiện có hiệu quả Tiểu dự án 1 “Giảm nghèo về thông tin” thuộc dự án 6 “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin”.

Trưởng phòng VH-TT huyện Minh Long Nguyễn Thị Thanh Hòa cho biết, qua các nguồn vốn được lồng ghép từ những chương trình, dự án, Phòng VH-TT huyện đã chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị trong và ngoài huyện tăng cường tuyên truyền về công tác giảm nghèo. Trọng tâm là xây dựng và lan tỏa các tin, bài, phóng sự, chuyên đề, chuyên mục... về các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về công tác giảm nghèo.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Cùng với triển khai thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo về thông tin, huyện Minh Long đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số để phục vụ người dân. Anh Ngô Anh Quốc, ở thôn Minh Xuân, xã Long Mai cho biết, tôi cứ nghĩ thủ tục đăng ký khai sinh sẽ được trả kết quả vào hôm sau, nhưng sau khi kiểm tra, cán bộ tiếp nhận thông báo là thành phần hồ sơ của tôi đầy đủ. Vì vậy mà chưa đầy 20 phút kể từ khi nộp hồ sơ, tôi đã nhận được kết quả. Còn chị Võ Thị Lại, ở thôn Minh Xuân chia sẻ, nhờ kích hoạt tài khoản VNeID, cộng với cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn, nên chỉ sau 30 phút, tôi nhận được kết quả. Việc thanh toán phí cũng thuận lợi và nhanh gọn vì quét mã QR.

Không chỉ xã Long Mai, mà 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Minh Long đã tiếp nhận hồ sơ của công dân, tổ chức, doanh nghiệp trên hệ thống phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Trong quý III/2024, huyện đã tiếp nhận 1.399 hồ sơ, trong đó tiếp nhận trực tuyến 1.378 hồ sơ, trực tiếp 21 hồ sơ.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nên người dân thực hiện giao dịch trực tuyến. Nhiều người không cần phải đến Bộ phận một cửa huyện, xã vì hồ sơ đã được số hóa. Đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn huyện đạt gần 93,4%; tỷ lệ cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đạt 100%; tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng cấp huyện đạt 97,3% và cấp xã đạt 96,4%; tỷ lệ công bố, công khai thủ tục hành chính đúng hạn đạt 100%...

Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho biết, xác định chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng, nên từ nhiều nguồn lực, huyện đã đầu tư hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, phòng họp không giấy; chỉnh lý, số hóa tài liệu lưu trữ; hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Đồng thời, xóa “vùng lõm” sóng di động tại các thôn, khu dân cư ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, từng bước đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin đến người dân.

Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo được tiếp cận sử dụng dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin; gắn với đầu tư hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ số. Qua đó, giúp hộ nghèo và cận nghèo chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, học hỏi kinh nghiệm, giải pháp phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo; đồng thời từng bước tiếp cận và hòa nhịp chuyển đổi số qua việc sử dụng các nền tảng, dịch vụ số đang triển khai.

 MỸ HOA

MỸ HOA

Giới thiệu doanh nghiệp

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ