Kết quả tích cực
Tân Phú Đông là huyện đảo nằm nơi cuối dòng sông Tiền, gồm có 6 xã, có khoảng 42.900 dân thuộc gần 12.700 hộ. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đến cuối năm 2024, xã Phú Tân còn 8 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,76% và trở thành đơn vị có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện.
Xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp thứ 2 là Tân Thới, với tỷ lệ 1,14%; xã Phú Đông xếp thứ 3, với tỷ lệ 1,15%; tỷ lệ này ở xã Tân Thạnh là 1,52%; ở xã Phú Thạnh là 1,65% và Tân Phú là 1,79%. Về tỷ lệ hộ cận nghèo thì Tân Thới là xã có ít hộ cận nghèo nhất, chỉ có 0,53%; kế đến là xã Tân Phú với tỷ lệ 1,07%; xã Tân Thạnh là 1,14%; xã Phú Thạnh là 1,36%; xã Phú Tân là 1,62%; xã Phú Đông là 1,91%.
Phân tích về tỷ lệ các chỉ số thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo hiện tại của huyện Tân Phú Đông cho thấy, có 45,4% hộ thiếu hụt việc làm; 41,14% hộ có đông người phụ thuộc trong hộ gia đình; 10,86% hộ gia đình có ít nhất một trẻ em dưới 16 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi hoặc suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi; 89,71% hộ thiếu hụt về bảo hiểm y tế; 21,66% hộ gia đình có ít nhất một người trong độ tuổi từ 16 tuổi đến 30 tuổi không tham gia các khóa đào tạo hoặc không có bằng cấp, chứng chỉ giáo dục đào tạo so với độ tuổi tương ứng; 5,71% hộ gia đình có ít nhất 1 trẻ em từ 3 tuổi đến dưới 16 tuổi không được học đúng bậc, cấp học phù hợp với độ tuổi; 8,57% hộ chất lượng nhà ở không đảm bảo vững chắc; 14,86% hộ có diện tích nhà ở bình quân đầu người của hộ gia đình nhỏ hơn 8m2; 13,71% hộ không tiếp cận được nguồn nước sạch trong sinh hoạt; 17,71% hộ không có nhà tiêu hợp vệ sinh; 46,29% hộ không có thành viên nào sử dụng dịch vụ Internet và 22,86% hộ gia đình không có phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân nghèo và thực trạng thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản này của hộ nghèo, các xã sẽ có phương án hỗ trợ phù hợp, giúp hộ nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống và từng bước thoát nghèo.
Lãnh đạo Phòng lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Tân Phú Đông cho rằng, trong những năm qua, thông qua việc triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện nâng cao đời sống của người nghèo, từng bước được cải thiện chính sách an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Người dân đã bước đầu nhận thức được ý nghĩa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong phát triển sản xuất để có thu nhập ổn định, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế nông thôn.
Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Phú Đông Thạch Tân Dân chia sẻ: “Điều thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện chính là được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH, của Huyện ủy, UBND huyện và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể huyện.
Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã mang lại nguồn sinh khí mới cho vùng đất cù lao Lợi Quan xưa, huyện Tân Phú Đông ngày nay. Từ một huyện nghèo nay đã “thay da đổi thịt” và khoác lên mình “chiếc áo mới” khang trang hơn. Điều quan trọng nhất chính là chất lượng cuộc sống của người dân đã được nâng cao, môi trường sống ngày càng văn minh, hiện đại.
Toàn bộ 6 xã của huyện Tân Phú Đông đều đạt 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025, đặc biệt xã Tân Thới vừa được thẩm định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Chương trình cũng nhận được sự đồng thuận của người dân trong huyện. Khó khăn, vướng mắc của huyện khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chính là có một bộ phận số hộ nghèo còn ý lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa chủ động trong công việc sản xuất, chăn nuôi để thoát nghèo.
Thêm vào đó, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước còn thấp so với nhu cầu của người dân trên địa bàn huyện; việc triển khai dự án phát triển sản xuất cộng đồng trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, giá cả đầu ra các mặt hàng sản xuất nông nghiệp như giá heo, bò, dê... không ổn định, còn thấp trong khi giá đầu vào như phân bón, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao ảnh hưởng đến lợi nhuận của người sản xuất, chăn nuôi. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân nói chung và hộ nghèo, hộ cận nghèo nói riêng”.
Xuất phát từ những thuận lợi và khó khăn trong năm 2024, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện Tân Phú Đông đề xuất nên tăng cường phân bổ nguồn vốn dự án đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo nhiều hơn để hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện.
Cần ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021 - 2025, thay thế cho Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, cần mở rộng các đối tượng học nghề để người dân trên địa bàn tham gia học nghề; thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo.
Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1,3% năm 2025
Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện Tân Phú Đông thống nhất mục tiêu của năm 2025 là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2025 xuống 0,1% so với tỷ lệ hộ nghèo năm 2024, tức còn 1,28%.
Tiếp tục nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống về vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu của tỉnh và huyện giao năm 2025.
Để đạt mục tiêu đề ra, giải pháp mà Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững huyện Tân Phú Đông đề ra cho năm 2025 là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy, khuyến khích ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo, vận động nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo.
Xây dựng các nội dung và hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng phù hợp với tâm lý, tập quán của người dân địa phương. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc thực hiện các chính giảm nghèo để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Xây dựng các đề án, dự án, kế hoạch giảm nghèo để thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.
Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nguồn vốn. Thực hiện nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả trên địa bàn huyện và triển khai thực hiện hiệu quả các dự án giảm nghèo trên địa bàn huyện trong năm 2024.
Huyện cũng sẽ thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phụ trách giảm nghèo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2025 đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch và đúng quy định.
Trong năm 2025, Ban Chỉ đạo tiếp tục phối hợp với các ngành có liên quan, UBND các xã vận động các nhà tài trợ, mạnh thường quân về việc hỗ trợ nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Trong đó, quan tâm sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Khuyến khích các hộ nghèo tự nguyện đăng ký tham gia thoát nghèo và tự lực khắc phục khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong năm 2025, sẽ tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết nhằm biểu dương, khen thưởng những tấm gương thoát nghèo tiêu biểu.