Đa dạng các giải pháp
Là hộ mới thoát nghèo vào năm 2023, thế nhưng cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Minh (82 tuổi), ở thôn 2, xã Bình Hòa, vẫn còn rất khó khăn. Sau khi tìm hiểu, sâu sát hoàn cảnh của ông Minh, tháng 8/2024, từ nguồn vốn cấp trên phân bổ, địa phương đã hỗ trợ gia đình ông Minh 1 con bò lai sinh sản. Sau gần 3 tháng chăn nuôi, đến nay bò cái phát triển tốt, tăng gần 50kg so với lúc ông Minh mới nhận bò.
Ông Minh bộc bạch, tôi đã lớn tuổi, lại bị khuyết tật ở chân, còn vợ thì đau ốm, không đi lại được. Ngày còn trẻ thì tôi trồng trọt, làm thuê, nhưng lớn tuổi rồi không làm việc nặng nhọc được. Những năm qua, gia đình tôi luôn được địa phương quan tâm, hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần nên mới thoát khỏi diện nghèo. Vừa qua, gia đình tôi tiếp tục được hỗ trợ 1 con bò lai, giúp tôi có thêm động lực phát triển kinh tế.
"Huyện Bình Sơn phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn dưới 1,3% và hộ cận nghèo còn dưới 2,2%, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã đề ra”. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn |
Gia đình ông Minh là 1 trong 19 hộ dân của xã Bình Hòa được hỗ trợ bò lai sinh sản của Dự án 2 thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, hỗ trợ cho 1 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo và 13 hộ mới thoát nghèo. Ngoài nhận bò giống, các hộ dân còn được cán bộ thú y, chi hội trưởng, trưởng thôn quan tâm, hỗ trợ cách chăm sóc, chăn nuôi bò đúng kỹ thuật.
Bên cạnh các dự án hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, những năm qua, xã Bình Hòa còn triển khai nhiều giải pháp mang lại hiệu quả cao. Trong đó, từ năm 2018 đến nay, Đảng bộ xã triển khai mô hình “Làm theo Bác”, với hình thức mỗi chi bộ thôn nhận hỗ trợ, giúp đỡ 1 hộ nghèo phát triển kinh tế. Mức hỗ trợ mỗi hộ là 300 nghìn đồng/tháng. Đảng bộ xã còn nhận đỡ đầu 2 trường hợp trẻ mồ côi, với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng. Ngoài ra, gần 3 năm qua, Mặt trận và các hội đoàn thể xã cũng đã hỗ trợ xây mới 3 ngôi nhà và trao con giống cho hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, mô hình “Kết nối tình quê” được xã tổ chức vận động gần 300 triệu đồng để giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn...
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Nguyễn Đức Thịnh cho biết, địa phương luôn xác định, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, lồng ghép với những mô hình giảm nghèo và các hoạt động kết nối, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, người con quê hương... đã tạo nên nguồn lực to lớn giúp cải thiện đời sống người dân. Hiện nay, xã còn 32 hộ nghèo (chiếm 1,54%); 56 hộ cận nghèo (chiếm 2,7%). Số hộ thoát nghèo, cận nghèo của xã trong những năm gần đây luôn vượt chỉ tiêu huyện giao. Đặc biệt, nhận thức của người dân ngày càng nâng cao, đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại mà có tinh thần trách nhiệm khi được nhận hỗ trợ, nỗ lực vươn lên. Từ đó, cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 54 triệu đồng/người/năm.
Đời sống người dân được cải thiện
Bình Dương là 1 trong 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện Bình Sơn. Những năm qua, địa phương không chỉ tập trung đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới, mà còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới nâng cao, hăng say lao động sản xuất, phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.
Theo thống kê, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn xã Bình Dương trong năm 2024 ước đạt hơn 555 tỷ đồng, đạt 100,4% so với kế hoạch năm (tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2023). Kinh tế địa phương phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; xây dựng nhiều cánh đồng sản xuất lớn, với doanh thu từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm... Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã ngày càng cao, đến nay đạt khoảng 68 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo chỉ còn 43 hộ (chiếm 1,71%).
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương Nguyễn Quốc Đạt, cùng với các chính sách hỗ trợ của các cấp, ngành, sự đồng lòng của người dân đã giúp xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nhờ vậy đã giúp chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Thời gian đến, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, huyện Bình Sơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; đồng thời lồng ghép, tích hợp hiệu quả các nguồn lực của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vào công tác giảm nghèo. Huyện đã phát động phong trào thi đua ‘‘Bình Sơn vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; tăng cường các hoạt động kết nối, kêu gọi nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, người con quê hương tham gia đóng góp nguồn lực để hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo thoát nghèo bền vững. Theo kết quả rà soát sơ bộ của huyện, số hộ nghèo đến cuối tháng 10/2024 còn 1.325 hộ (chiếm 2,09%), hộ cận nghèo còn 1.779 hộ (chiếm 2,8%), vượt chỉ tiêu tỉnh giao.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Phạm Quang Sự nhấn mạnh, thời gian qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai thực Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện phân bổ và bố trí ngân sách huyện đối ứng đảm bảo theo quy định, kịp thời. Ban hành đầy đủ các kế hoạch, phê duyệt các dự án để triển khai thực hiện và giải ngân cơ bản đảm bảo yêu cầu. Nhờ đó, công tác giảm nghèo được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ. Huyện cũng thực hiện cấp phát đầy đủ, kịp thời thẻ BHYT cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình; chính sách tín dụng ưu đãi được triển khai đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu của người vay. Để công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục đạt hiệu quả, trong thời gian tới, huyện sẽ huy động tối đa các nguồn lực thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất để hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các nguồn lực và dịch vụ xã hội cơ bản để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.