Trao “cần câu”, tạo sinh kế
Vừa đi giao nước đá cho khách hàng về đến nhà, vợ chồng chị Trịnh Thị Quyến, ở ấp 10, xã Vị Trung, tất bật lấy thức ăn để cho bò ăn. Cặp bò là mô hình sinh kế chính quyền địa phương hỗ trợ gia đình chị từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024.
Gia đình chị Quyến là hộ cận nghèo, cuộc sống khó khăn do chị bị bệnh, phải uống thuốc hàng ngày, thu nhập phụ thuộc vào công việc bán nước đá và quán nước giải khát nhỏ.
Trong quá trình chăn nuôi, vợ chồng chị học hỏi kinh nghiệm từ những hộ nuôi trước, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do địa phương tổ chức và học hỏi thêm các kỹ thuật chăn nuôi qua mạng xã hội. Với những kiến thức tích lũy được, gia đình thầm mong bò sẽ phát triển tốt, nhanh chóng sinh sản, giúp gia đình phát triển kinh tế.
Chị Quyến bộc bạch: “Lần đầu tiên nuôi bò, nhờ được cán bộ ở xã hướng dẫn kỹ thuật nên bò phát triển tốt, thấy vậy gia đình mừng lắm. Chúng tôi cố gắng phấn đấu để thoát cận nghèo”.
Còn gia đình ông Trần Bé Năm, ngụ cùng ấp 10, xã Vị Trung, phấn khởi khi được hỗ trợ cặp trâu. Khi địa phương cho hay gia đình được hỗ trợ mô hình trong năm nay, ông đã chủ động làm chuồng. Ngoài ra, tham gia các lớp tập huấn, học hỏi kỹ thuật về cách chăm sóc, cách phòng bệnh trong chăn nuôi trâu.
Ông Bé Năm cho hay: “Nhờ được địa phương hỗ trợ, mừng dữ lắm. Người ta nói con trâu là đầu cơ nghiệp, chúng tôi hy vọng với bước khởi đầu này, kinh tế gia đình sẽ khá hơn”.
Góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo
Xã Vị Đông có 135 hộ nghèo và 65 hộ cận nghèo. Qua rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, địa phương xác định có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo là do người dân thiếu kiến thức, thiếu vốn để phát triển sản xuất, thiếu lao động, không có đất đai, nghề nghiệp ổn định, lớn tuổi… Xác định hỗ trợ sinh kế, giúp người dân tăng thu nhập, có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản là giải pháp giảm nghèo hiệu quả, từ nguồn vốn Dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2024 này xã thực hiện dự án chăn nuôi lươn.
“Địa phương đã tuyên truyền về dự án đến hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để người dân chủ động đăng ký tham gia. Với các con giống được hỗ trợ cùng kiến thức, kỹ thuật, cách chăm sóc được tập huấn, trang bị sẽ giúp người dân chăn nuôi hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình, hướng đến thoát nghèo”, ông Bùi Minh Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Đông, cho biết.
Thực hiện Dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, trong năm 2024 các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vị Thủy đăng ký thực hiện các dự án nuôi trâu, nuôi bò, nuôi heo, nuôi lươn… với 109 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia.
Huyện Vị Thủy có 992 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,06% dân số. Địa phương phấn đấu đến cuối năm nay giảm 2% hộ nghèo, với khoảng 488 hộ. Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra huyện tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hiệu quả.
Bà Đoàn Thị Thùy Hương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy, cho biết: “Năm 2024, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã phân bổ về các xã, thị trấn để triển khai các dự án sinh kế. Các dự án hứa hẹn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ nhà ở, giáo dục”.
Huyện Vị Thủy còn 992 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,06% dân số. Địa phương phấn đấu đến cuối năm nay giảm 2% hộ nghèo, khoảng 488 hộ. |