Mô hình giảm nghèo hiệu quả

Nông dân thoát nghèo nhờ mô hình nuôi ngựa hiệu quả ở Lào Cai

20/08/2023 14:14 CH Xem cỡ chữ
(Mic.gov.vn) - 

 Phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu và chiụ khó học hỏi, bà con dân tộc thiểu số vùng cao Lào Cai đang từng bước giảm nghèo bền vững từ phong trào nuôi ngựa theo hướng hàng hoá.


h12a.jpg 

Trải qua bao thăng trầm, nghề nuôi ngưạ ở Lào Cai đã đạt mức tăng trưởng khá trong những năm gần đây. Tận dụng diện tích đồi núi quanh nhà, bà con dân tộc Mông ở thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát đã mạnh dạn đầu tư nuôi ngựa theo hướng nuôi nhốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Trước đây từng nuôi lợn, gà nhưng bị thiệt hại do dịch bệnh nên anh Thào A Hừ (SN 1985), dân tộc Mông, thôn Làng Mới, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai chuyển sang nuôi ngựa hàng hóa.  Anh Hừ chia sẻ, trước đây, gia đình anh rất khó khăn, thu nhập của gia đình chỉ phụ thuộc vào cây ngô và lúa.

Năm 2017, huyện Bát Xát triển khai đề án về việc “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trọng tâm là đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, gắn với phát triển chăn nuôi đại gia súc". Trong đó, trọng tâm là thực hiện mô hình nuôi ngựa theo hướng sản xuất hàng hóa, gia đình anh Hừ đã được vay 170 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (được Nhà nước hỗ trợ lãi suất trong 3 năm đầu) để mua 10 con ngựa giống về nuôi.

Ngoài được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh Hừ còn được hỗ trợ kinh phí làm chuồng trại, trồng cỏ voi VA06 để đàn ngựa sinh trưởng và phát triển tốt.

Theo anh Hừ, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi ngựa hàng hóa bài bản, đàn ngựa của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt. Từ 10 con ngựa giống ban đầu đến năm thứ 2 đã đẻ được 5 con. Đến năm 2020, gia đình anh Hừ đã có 7-8 con ngựa to để bán, đồng thời trả hết số vốn gia đình anh đã được hỗ trợ vay để phát triển nuôi ngựa.

Trong quá trình chăn nuôi, anh Hừ đã xây dựng chuồng kiên cố, với diện tích khoảng 80 m2. Ngoài ra, anh Hừ còn trồng 1 ha cỏ voi VA06 để làm nguồn thức ăn cho đàn ngựa. Theo anh Hừ, nuôi ngựa không khó so với các loại vật nuôi khác bởi ngựa ít dịch bệnh hơn và dễ chăn thả khi vào mùa nông nhàn đã thu hoạch cây lương thực xong. Bên cạnh đó, để đàn ngựa phát triển tốt đối với chuồng trại phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát; thức ăn cho ngựa phải sạch không dính đất…

Để có thêm kinh nghiệm nuôi, anh Hừ học hỏi kỹ thuật qua các kênh thông tin báo, đài; đi tham quan và tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc ở một số địa phương khác đã nuôi trước, đảm bảo vật nuôi an toàn khi có dịch bệnh. Tích cực tham gia các lớp tập huấn về phát triển chăn nuôi do xã, huyện tổ chức...

Năm 2022, gia đình anh bán được 13 con ngựa, thu về khoảng 270 triệu đồng, số vốn này gia đình anh tiếp tục mua thêm 10 con ngựa giống để nhân đàn, hiện đã đẻ thêm được 3 con. 

Nhờ phát triển nuôi ngựa hàng hóa, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá, làm được nhà mới khang trang, mua sắm những đồ dùng đắt tiền để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Hơn hết, anh cũng có thêm điều kiện chăm lo con cái học hành chu đáo. 

Ông Lý A Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát nhận xét: Anh Hừ là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu có nghị lực vươn lên thoát nghèo khi được tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn để đầu tư nuôi ngựa theo hướng hàng hóa. Anh Hừ xứng đáng là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để bà con trong thôn cũng như xã học tập và noi theo.

Với hiệu quả ban đầu từ mô hình nuôi ngựa theo hướng hàng hóa của anh Hừ, tới đây Hội sẽ có kiến nghị để giúp cho các hộ nuôi ngựa vay thêm vốn, đầu tư mở rộng thêm đàn, tăng thêm thu nhập. Hội cũng sẽ có kiến nghị với huyện hỗ trợ thêm về kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi và tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi ngựa yên tâm hơn.

Phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu và chiụ khó học hỏi, việc làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình bà con dân tộc thiểu số vùng cao Lào Cai đang từng bước giảm nghèo bền vững. Được biết, xã Sàng Ma Sáo là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai), cách trung tâm huyện Bát Xát 38 km. Xã có 890 hộ dân, với gần 5.000 nhân khẩu; gồm 3 dân tộc Mông, Giáy, Kinh cùng sinh sống.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, đời sống của người dân đã từng bước nâng lên. Năm 2023, xã Sàng Ma Sáo phấn đấu giảm 95 hộ nghèo và nâng mức thu nhập nhập bình quân đầu người lên 22 triệu đồng/người/năm.

Vietnamnet