(Mic.gov.vn) -
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 58, chiều 13/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng: Việc xây dựng chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
"Việc xây dựng chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững là giải pháp quan trọng, quyết định việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ về giảm nghèo và an sinh xã hội đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước; khuyến khích các địa phương vận dụng các chính sách, cơ chế giảm nghèo và an sinh xã hội đặc thù áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương.
Trong nhiều chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2025, Chính phủ xác định phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu kỳ, giảm 1,5 triệu người nghèo/năm theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia.
Thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo tăng 20% - 25%/năm; bình quân mỗi năm có 500.000 hộ gia đình tham gia dự án, mô hình giảm nghèo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, công tác xoá nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước.
90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật giảm nghèo và kiến thức, kỹ năng, mô hình giảm nghèo hiệu quả thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.
Một số chỉ tiêu đáng chú ý khác của chương trình là giữ tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%; tỷ lệ thiếu việc làm nhỏ hơn 1,89%. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội ở mức 45%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 35%; tỷ lệ thời gian làm công việc nội trợ và chăm sóc gia đình không được trả công là 1,4 lần phụ nữ so với nam giới.
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình. Ủy ban nhận thấy, giảm nghèo đa chiều, bền vững cũng là thực hiện mục tiêu, giải pháp của an sinh xã hội bền vững, là vấn đề quan trọng, cấp bách, phù hợp với khả năng đáp ứng về nguồn lực để giải quyết bằng chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn tới.
Ủy ban đề nghị Chính phủ điều chỉnh giữ lại trong Chương trình những nội dung về "an sinh xã hội" có liên quan trực tiếp đến địa bàn nghèo, hộ nghèo; các nội dung còn lại đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, chương trình cần điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu, các dự án, giải pháp thoát nghèo bền vững, đủ sức chống chịu, vượt qua các thách thức của thiên tai, dịch bệnh như đại dịch COVID-19; dự báo kết quả duy trì các mục tiêu, chỉ tiêu khi Chương trình kết thúc để có thể đánh giá tính bền vững.
Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ, trực tiếp là Bộ LĐ-TBXH và đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Theo Chủ tịch Quốc hội, trong nhiệm kỳ vừa qua, Chương trình giảm nghèo bền vững thu được thành tựu rất lớn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá rất cao.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc tiếp tục thực hiện chương trình này là một chủ trương rất đúng đắn. Công tác xoá nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước và là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ về phát triển bền vững mà Việt Nam thực hiện.
Về phạm vi của Chương trình, theo Chủ tịch Quốc hội, vẫn nên tập trung vào giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cần tập trung quan tâm một số nội dung hết sức quan trọng như hệ thống bảo trợ xã hội, hệ thống trung tâm cai nghiện, năng lực của các trường nghề… và cân đối kinh phí để đầu tư cho các nội dung này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban chỉ đạo chương trình đánh giá thêm việc một số địa phương còn quy định chuẩn nghèo cao hơn chuẩn chung của cả nước, không phân biệt đối tượng thụ hưởng, tiếp tục hoàn thiện tiêu chí nghèo đa chiều. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý phải khắc phục tình trạng tái nghèo cao ở vùng khó khăn, vùng bị thiên tai; ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách, xem xét việc biểu dương những người chủ động xin ra khỏi danh sách hộ nghèo…
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thống nhất mức dự kiến bố trí 20.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025.