Tin tức - Sự kiện

Tất cả từ cà phê và nuôi lợn mà ra đấy

12/07/2021 14:36 CH Xem cỡ chữ
(Mic.gov.vn) - 

Đó là chia sẻ của bác Cà Thị Phiêu, một trong số 13 thành viên của Nhóm Nuôi lợn sinh sản giống địa phương tại Bản Mỏ, xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.


20210712-tagn2.jpg

 “Không nuôi lợn, không có cà phê trồng từ giống có ở vườn ươm thì không làm gì được, nay có cái ăn lại còn làm được nhà nữa. Vui lắm!”, Bác Phiêu nói và cười mãn nguyện sau khi cho chúng tôi biết, bác vừa thu được hơn 100 triệu đồng từ tiền bán con trâu, cà phê và 10 chú lợn. “Trâu từ cà phê và lợn ra đấy, cả hai mẹ con nhà dê kia nữa”, bác cười chỉ vào chuồng dê. Bác bảo bác đang làm căn nhà trên mảnh đất phía dưới thấp hơn. Giờ già rồi ở trên cao không leo nổi, lại lạnh nữa. Năm nay, Bác thoát nghèo rồi.

Hồi đó, nhóm chỉ có 8 thành viên. Khi ấy, cây cà  phê không phải là cây mới trồng ở bản Mỏ này, mỗi gia đình cũng có trồng cà phê Catimor, song kinh nghiệm không có, nên hầu như thu hoạch rất ít. Thế rồi “cái Dự án Giảm nghèo” đến, thông báo về sự hỗ trợ bà con phát triển sinh kế để có thu nhập, thoát nghèo. Bác Diên kể, mới đầu bà con còn e ngại, chúng tôi trao đổi, thuyết phục và có 8 hộ gia đình, trong đó có một hộ khá và 7 hộ nghèo nhất trí thành lập nhóm đồng sở thích. Tiểu Dự án Vườn ươm cây cà phê ra đời.

Theo lời bác Diên, Dự án hỗ trợ giống cây để trồng trong vườn ươm trên diện tích 700 m2, hỗ trợ phân bón và quan trọng là hướng dẫn kỹ thuật bón phân, chăm sóc cây, cách phòng trừ sâu bệnh cho cây...Không phụ lòng của các cán bộ hướng dẫn và công chăm sóc của các thành viên, cây giống phát triển tốt, vừa giúp nhóm có thu nhập trung bình khoảng 5-6 triệu đồng/năm từ tiền bán cây giống cho các hộ trong bản, vừa giúp mỗi hộ thành viên nhân rộng trên khu vườn nhà mình. Diện tích trồng cà phê tăng dần, ban đầu, cả nhóm có khoảng 1 ha. Nay diện tích tăng gấp đôi. Đặc biệt, nhờ có hướng dẫn kỹ thuật, nên năng suất cũng cao hơn, từ chỗ chỉ đạt khoảng 3 - 4 tấn quả tươi/ha, nay đã lên đến 6 – 7 tấn/ha. Thu nhập nhờ đó cũng tăng lên với mức giá trung bình hiện là 9.000 đồng/kg.

Điều đáng quan tâm là, không chỉ chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây cà phê, kinh nghiệm làm cây giống trong nhóm, mà các thành viên còn hướng dẫn bà con trong bản. Có cây giống tốt có kỹ thuật, diện tích cà phê ở bản đã tăng từ khoảng 7 ha lên 20 ha, trở thành cây trồng đem lại nguồn thu nhập ổn định, nguồn thu chính cho nhiều hộ gia đình. 

Dù vậy, cà phê là cây lâu năm, một năm cho thu hoạch một lần, nên cuộc sống của nhiều thành viên và người dân trong bản vẫn còn khó khăn. Năm 2016, khi nhận được thông báo, dự án có hỗ trợ lần hai cho các  nhóm đang hoạt động. Bác Diên bàn với các thành viên trong nhóm và trao đổi cả trong bản về việc nuôi con lợn sinh sản giống địa phương. Lần này, có thêm 5 thành viên mới xin tham gia, nâng tổng số thành viên lên 13 người.

Bác Cà Văn Tại, một trong 5 thành viên mới chia sẻ, thấy nhóm hoạt động hiệu quả, vui, biết bảo ban nhau, nên chúng tôi xin vào nhóm.

Các thành viên trong nhóm đã biết áp dụng cách chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh...Thế là đàn lợn cứ thay nhau phát triển, từ 13 con lợn mẹ ban đầu đã có thêm 130 chú lợn con ra đời. Các hộ thành viên bán lợn giống, lợn thịt, đến nay vẫn còn 10 con lợn mẹ và đàn lợn khoảng 40 con. Theo chia sẻ của bác Phiêu, nếu như trước đây, trung bình một năm nuôi lợn đẻ được hai lứa. Lứa nhiều được 5 con, thì nay, khoảng 4 tháng đã xuất chuồng rồi. Mỗi lứa cũng được 7 – 8 con. Cả bán lợn giống, cả để bán lợn thịt.

Tiền bán lợn, bán cà phê, mua thêm bò, thêm dê, thêm trâu hoặc sắm sửa các vật dụng trong nhà, như tivi, máy giặt…giúp cải thiện điều kiện sinh hoạt của nhiều gia đình, giảm nhẹ gánh nặng cho chị em phụ nữ... Rồi còn thêm tiền nuôi con, cháu ăn học. Có hộ còn mua thêm được cả đất trồng cà phê như vợ chồng nhà anh Lò Văn Nhũ và chị Lò Thị Hương. Có lợn, có cà phê, giúp cho gia đình chị tăng thu nhập lên gấp 3 – 4 lần so với trước, Gia đình chị đã thoát nghèo.

Dù vậy, theo tiêu chí đa chiều, ngoài hai hộ khá, ba hộ thoát nghèo, trong nhóm vẫn còn 8 hộ thuộc diện nghèo. Và con số hộ nghèo trong bản vẫn đang chiếm hơn 60% trong tổng số 42 hộ của bản. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, song bà con đã không còn lo thiếu đói. Cái rét đã không còn là nỗi ám ảnh. Cuộc sống đã đỡ vất vả hơn và đang dần được cải thiện từ cà phê, từ đàn lợn, từ cách thức phát triển theo nhóm để sẻ chia kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, chia sẻ thông tin và hợp tác cùng nhau trong cả quá trình bán sản phẩm. Đó chính là lý do khiến bác Diên và tất cả các thành viên đều khẳng định sẽ duy trì nhóm để cùng nhau phát triển, kể cả  khi dự án kết  thúc. Đây cũng là điều được bác Cà Văn Đoan, Trưởng bản Mỏ nói trước lúc chúng tôi chia tay nhóm “ Cách thức hỗ trợ của Dự án thực sự hiệu quả, giúp bà con có cây, con giống, lợn giống, biết cách làm ăn, cải thiện thu nhập, biết chia sẻ cùng nhau”.

Tôi biết, đó là những lời nói thật lòng, bởi ánh mắt của bác trưởng bản, niềm vui và câu chuyện của các thành viên trong nhóm đã chứng minh điều đó./.

http://giamngheo.mpi.gov.vn/