
Công trình đường, ngầm tràn và đập dâng nước phục vụ tưới tiêu tại thôn Tầm Làng, xã Quảng An (Đầm Hà) được hoàn thành từ nguồn vốn Chương trình 135.
Gần 1 triệu lao động là người dân tộc thiểu số được học nghề
Để tạo điều kiện và hỗ trợ người dân tộc thiểu số có điều kiện được tham gia nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp, trong giai đoạn 2015-2020, Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ như: Chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số; hỗ trợ đào tạo trình độ cơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng với mức hỗ trợ từ 3-4 triệu đồng/người/khóa; miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 cho học sinh, sinh viên học tại các cơ sở GDNN
Cùng với đó còn có các chính sách đối với nhà giáo GDNN; xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu để đào tạo để đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở GDNN để đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số.
Theo thống kê, hiện có 10,8% lao động người dân tộc thiểu số được qua đào tạo, bằng 1/3 so với tỷ lệ trung bình của cả nước. Tỷ lệ thất nghiệp người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên chiếm 1,4%, có khoảng 5,57 triệu người làm công việc đơn giản.
Trong giai đoạn 2016-2020, cả nước có khoảng 1 triệu lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số được học nghề, trong đó gần 600.000 người được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp; trên 76% số người dân tộc thiểu số học xong có việc làm.
Về giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm trong nước và ngoài nước liên quan đến người dân tộc thiểu số như: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số tại địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn tham gia đào tạo để đi làm việc ở nước ngoài…
Kết quả, tính đến này 31/10/2020, tổng nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm là 29.881 tỷ đồng. Thông qua các nguồn vốn vay giải quyết việc làm, các địa phương đã hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho 782 nghìn lao động, trong đó người dân tộc thiểu số là 52 nghìn lao động.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ phát triển thị trường lao động, cũng như hỗ trợ tạo việc làm được quan tâm, đẩy mạnh. Các trung tâm dịch vụ việc làm ở các địa phương thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đối với các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã tổ chức các sàn giao dịch vệ tinh, lưu động và các ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm, từng bước đưa thông tin đến với người lao động là người dân tộc thiểu số…
Ngoài ra, đã có 6.836 lượt người lao động thuộc các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được đi làm việc ở nước ngoài, trong đó đã có 2.712 lao động xuất cảnh sang làm việc tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Algieria. Khoảng 20 nghìn lượt cán bộ và tuyên truyền viên cơ sở làm công tác tư vấn được tập huấn, nâng cao năng lực và khoảng 16 nghìn lượt lao động được tư vấn đi làm việc ở nước ngoài…
Tỷ lệ hộ nghèo bình quân vùng dân tộc thiểu số giảm từ 2-3%/năm
Giảm nghèo nói chung và giảm nghèo khu vực miền múi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, các cấp ở địa phương, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân dộc, sự nghiệp giảm nghèo đã đạt những thành tựu to lớn, là một điểm sáng trong hệ thống an sinh xã hội tạo ra sự chuyển biến rõ dệt trong công cuộc thay đổi diện mạo nông thôn mới.
Thực hiện Nghị định số 05/2021/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020, trong đó đối tượng, địa bàn, nguồn lực chủ yếu của chương trình là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền múi.
Qua triển khai thực hiện các chính sáchvề giảm nghèo, giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1,43%,đạt mục tiêu bình quân từ 1–1,5%/năm. Tính đến cuối năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo bình quân trên địa bàn 56 huyện nghèo giảm còn 23,42%, bình quân giảm 5-6% /năm. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn vùng dân tộc thiểu số giảm 2-3%/năm, riêng các vùng đặc biệt khó khăn giảm từ 3-4%/năm.
Cũng trong gia đoạn này, đã có 08/64 huyện nghèo tính theo Nghị quyết 30a được thoát nghèo; 14/30 huyện nghèo được hưởng cơ chế thoát khỏi tình trạng khó khăn; 124/2.139 xã và 1.322/20.176 thôn đặc biệt khó khăn ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135; 1.052/5.266 xã đạt chuẩn nông thông mới, trong đó có 106/2.139 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới.
Công trình đường, ngầm tràn và đập dâng nước phục vụ tưới tiêu tại thôn Tầm Làng, xã Quảng An (Đầm Hà) được hoàn thành từ nguồn vốn Chương trình 135.
Tính riêng về kết quả giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có trên 25.000 công trình hạ tầng đã được đầu tư xây dựng trên địa bàn các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện; 65% xã có hệ thống thủy lợi ; 88% thôn có đường cho xe cơ giới và 42% thôn có đường giao thông đạt chuẩn; trên 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu sản xuất nâng cao đời sống cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn giảm nhanh theo từng giai đoạn (giảm trung bình khoảng 3,5%).
Mạng lưới y tế các cấp phát triển, đảm bảo cho đồng bào dân tộc được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Giá trị văn hóa dân tộc tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy. Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong từng vùng dân tộc và vùng miền núi đang có chuyển biến tích cực, các dịch vụ hỗ trợ pháp lý đến gần hơn với người dân. Hệ thống chính trị thường xuyên được quan tâm xây dựng, củng cố và ngày càng phát triển, đội ngũ cán bộ cơ sở….
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị định số 05/2021/NĐ-CP cũng tồn tại một số hạn chế như: số lao động là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề còn thấp, mới chiếm 14% trong tổng số người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động; các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế- xã hội còn khó khăn, trong khi chất lượng lao động còn hạn chế; một số chính sách khi xây dựng còn chưa tính đến đặc thù địa bàn, văn hóa đặc thù của đồng bào dân tộc; việc thực hiện cơ chế chính sách còn nhiều bất cập; đào tạo nghề nông thôn chưa thực sự mang lại hiệu quả tạo sinh kế bền vững giúp đồng bào thoát nghèo; kết quả giảm nghèo thiếu tính bền vững…
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát điểm vùng dân tộc thiểu số và miền núi là vùng khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển; chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực chưa cao…Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, tư vấn, động viên người dân tộc thiểu số học nghề; việc áp dụng kiến thức, kỹ thuật vào sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn do các điều kiện địa lý và sự phát triển kinh tế; người lao động tại các vùng đặc biệt khó khan chưa đáp ứng đủ yêu cầu về tay nghề, ngoại ngữ, tác phong để đi làm việc tại các thị trường có thu nhập tốt; kinh phí xây dựng chính sách thấp…