(Mic.gov.vn) -
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, đúng định hướng, hợp lòng dân, Đảng bộ xã Lương Thiện (Sơn Dương) đã thành công trong lãnh đạo công tác giảm nghèo. Từ trên 50% hộ nghèo năm 2010, đến đầu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 15%.
Lương Thiện là xã vùng 135 nhiều khó khăn của huyện Sơn Dương, có 8 thôn, trên 6.500 nhân khẩu, với trên 90% dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, thực hiện các nghị quyết về việc đẩy mạnh công tác giảm nghèo của tỉnh, huyện, đồng thời xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc giảm nghèo bền vững, Đảng ủy, UBND xã Lương Thiện đã quyết tâm, đồng lòng đề ra nhiều giải pháp triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Cùng với việc kiện toàn Ban Chỉ đạo xóa đói, giảm nghèo, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về công tác giảm nghèo. Đồng chí Lăng Văn Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lương Thiện cho biết: Đảng ủy đã ban hành Nghị quyết về công tác giảm nghèo và chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, những bước đi, cách làm cụ thể như giao nhiệm vụ cho các tổ chức đoàn thể, từng đảng viên trong xã trong việc tìm hiểu, khảo sát từng hộ nghèo, cận nghèo để tìm ra nguyên nhân nghèo. Qua khảo sát, rà soát các hộ nghèo, cận nghèo, cấp ủy, chính quyền xã đã xác định được nguyên nhân chính là do thiếu vốn, tỷ lệ hộ nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay còn thấp, thiếu phương tiện, công cụ sản xuất, kiến thức KHKT, chưa biết cách làm hoặc trồng các loại cây, con cho hiệu quả, một số hộ có người nhà bị bệnh hiểm nghèo...
Anh Triệu Văn Đoan (bên phải) Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Thượng là một trong những người đi đầu trồng rừng sản xuất ở thôn.
Để việc giúp đỡ hộ nghèo một cách hiệu quả, Đảng ủy xã Lương Thiện đã giao nhiệm vụ đến từng chi bộ thôn tổ chức tuyên truyền và phân công đảng viên phụ trách giúp đỡ từ 1 đến 2 hộ nghèo. Việc phân công được thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh, năng lực, sở trường của mỗi đồng chí đảng viên. Điển hình như Chi bộ thôn Tân Thượng có trên 95% dân tộc Dao đỏ đã có sự bứt phá mạnh trong những năm gần đây. Anh Triệu Văn Đoan, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn cho biết: Thôn cách trung tâm xã 7 km chủ yếu đường đất, kinh tế khó khăn nên người dân nghèo. Từ 2015 đến nay, nhờ phát triển kinh tế rừng, chè, kết hợp chăn nuôi đại gia súc trâu, bò nên cuộc sống của người dân ở đây đã khá hơn nhiều. Hiện thôn có 300 ha rừng sản xuất, nhà ít cũng có 1 - 2 ha, nhà nhiều từ 7 - 10 ha. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, xây được nhà khang trang từ trồng rừng, điển hình như hộ ông Lương Văn Thọ, Phan Văn Cảnh; làm giàu từ trồng rừng và chè như hộ ông Lương Văn Phúc, Lương Văn Năm... Đến nay, thôn có 63/74 hộ có nhà xây kiên cố.
Kết quả trên là nhờ những đảng viên trong chi bộ đã đi đầu trong phát triển kinh tế, thay đổi tư duy phát triển kinh tế từ trồng rừng, trồng chè theo hướng sản xuất tập trung. Ông Lương Văn Phúc, người có uy tín của thôn cho biết: Tỉnh đã quy hoạch rừng sản xuất giao cho dân, đi cùng với đó là các nguồn vốn hỗ trợ đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nên người dân đã đầu tư phát triển rừng. Từ rừng người dân đã có của ăn của để. Chỉ 2 - 3 năm nữa, khi diện tích rừng đang độ khép tán của thôn được thu hoạch thì người dân thật sự khấm khá.
Cùng với việc tuyên truyền và phân công từng đảng viên phụ trách giúp đỡ hộ nghèo, Đảng ủy xã Lương Thiện đã lãnh đạo, chỉ đạo tích cực việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các cây, con có giá trị kinh tế cao vào gieo trồng, chăn nuôi. Thôn Khuân Mản có 170 hộ dân đều là người dân tộc Dao, Nùng sinh sống. 8 năm qua cây mía đã trở thành cây giảm nghèo hiệu quả của thôn. Anh Nông Văn Sáu cho hay, gia đình anh đã xây dựng được căn nhà 2 tầng rộng rãi, khang trang, trị giá 300 triệu đồng, trong đó có phần lớn là tiền bán mía tích cóp trong 8 năm. Đồng chí Đặng Xuân Dũng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khuân Mản cho biết: Thời điểm cao nhất, Khuân Mản có hơn 96 ha mía nguyên liệu, chiếm 50% tổng diện tích mía toàn xã Lương Thiện. Để có kết quả này, đảng viên trong chi bộ đã đi đầu đưa cây mía vào trồng trước, thấy hiệu quả mới vận động người dân đưa vào trồng theo hướng sản xuất hàng hóa thay thế cây sắn ở đồi thấp. Đến nay, cây mía đã cho hiệu quả kinh tế cao. Một số diện tích trồng mía năng suất thấp đã được chuyển đổi sang trồng cây sachi, cây bưởi... Đảng viên Vi Văn Hồng một trong những người làm giàu từ trồng mía, cây ăn quả cho biết, việc đảng viên làm trước đã tạo ra sự tin tưởng cho nhân dân làm theo. Với sự lãnh đạo hiệu quả của chi bộ và sự đi đầu của đảng viên, thôn Khuân Mản đã giảm 10% số hộ nghèo hàng năm. Hiện nay, thôn còn 41 hộ nghèo, trên 40% hộ dân có mức sống khá trở lên.
Đầu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã Lương Thiện đã giảm xuống còn 15%. Tuy tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao so với mặt bằng chung của huyện nhưng đó lại là sự bứt phá của một xã đặc biệt khó khăn. Đạt được kết quả đáng phấn khởi đó là sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự gương mẫu đi đầu của các đảng viên và đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo trên địa bàn xã.