Văn bản - Chính sách

Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững: Hà Nội về đích trước hai năm

16/09/2019 20:08 CH Xem cỡ chữ
(Mic.gov.vn) - 

Xác định, thực hiện tốt các chính sách xã hội, đảm bảo an sinh xã hội là động lực để phát triển kinh tế Thủ đô. Thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt trong chỉ đạo cũng như bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách an sinh xã hội.


duc-chung-4-.jpg

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị
 

Đây là những nội dung được nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và các chương trình hỗ trợ giảm nghèo; sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 08/2016/QĐ-UBND ngày 21/3/2016 của UBND TP.Hà Nội quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng trên địa bàn Thành phố (Quyết định 08).

Hơn 6.000 tỷ đồng dành cho giảm nghèo

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khuất Văn Thành cho biết, nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, trong giai đoạn 2016-2018, toàn Thành phố đã giảm được gần 52.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm xuống còn 1,16% vào thời điểm cuối năm 2018, về đích trước 2 năm so với kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, đến thời điểm này, Hà Nội có 5 quận là: Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Tây Hồ và Thanh Xuân không còn hộ nghèo.
 
Thực hiện kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở, toàn thành phố có 4.166 hộ nghèo được cải thiện nhà ở trong năm 2018, đưa Hà Nội trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Đa số hộ được hỗ trợ về nhà ở đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
 
Ngoài ra, Hà Nội đã dành hơn 3.515 tỷ đồng chi trợ cấp xã hội hằng tháng; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người thuộc diện nghèo, cận nghèo; tặng quà Tết cho người nghèo, đối tượng yếu thế…
 
Không để người nghèo nào bị ở lại phía sau trên hành trình phát triển của Thủ đô và đất nước, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐND, ngày 8/7/2019, quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống.
 
Nhờ đó đã có nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, điển hình như: Mô hình vay vốn tín dụng ưu đãi để chăn nuôi (bò, gia cầm...) ở khu vực nông thôn, mở cửa hàng tạp hóa nhỏ, cửa hàng ăn uống, sửa chữa xe máy, dịch vụ giặt là... ở khu vực nội thành; Mô hình vận động trợ giúp nuôi dưỡng hàng tháng đối với các hộ nghèo cao tuổi, đơn thân; tặng sổ tiết kiệm cho hộ nghèo, tạo điều kiện hỗ trợ, bố trí địa điểm kinh doanh (bán hàng tạp hóa, bán hàng ăn…), trợ giúp mua phương tiện giải quyết việc làm cho hộ nghèo (mua xe máy, máy khâu, máy ép nước mía….) cho thành viên thuộc hộ nghèo… của quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình; Mô hình “Chung tay hỗ trợ giảm nghèo đối với hộ có 01 nhân khẩu” (mỗi tổ chức, doanh nghiệp gắn với hỗ trợ 01 hộ nghèo cụ thể) của quận Long Biên; Mô hình chăn nuôi bò ở 1 số huyện ngoại thành;…
 
Phấn đấu cơ bản không còn hộ nghèo vào cuối năm 2019
 
Thực hiện các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội để chăm lo cho các đối tượng chính sách, hộ gia đình nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội và cũng là truyền thống nhân ái cao đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay.
 
Trong bối cảnh những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng phát triển ổn định, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức; thiên tai, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; xong nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, các tỉnh, thành phố; sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể; sự giúp đỡ có hiệu quả của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; thành phố Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt trong chỉ đạo cũng như bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, Hà Nội luôn bám sát chủ trương, chính sách của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động xây dựng, ban hành các chính sách xã hội đặc thù; ưu tiên nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội, hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững.


Đặc biệt năm 2018 là điểm nhấn quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Thành phố tập trung triển khai Chương trình hỗ trợ xây, sửa nhà ở hộ nghèo với 4.166 hộ nghèo được hỗ trợ hoàn thành trước ngày Cả nước vì người nghèo 17/10.

“Đây là hoạt động hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ phát động. Qua đó khơi dậy được tinh thần tương thân tương ái, thu hút được sự tham gia nhiệt tình của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội trong công tác trợ giúp người nghèo”, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh.
 
Đồng thời, bên cạnh Chương trình mục tiêu giảm nghèo, chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng được Thành phố thực hiện từ năm 2010. Đặc biệt từ năm 2016, Thành phố đổi mới phương pháp, áp dụng công nghệ thông tin vào thanh toán kinh phí hỗ trợ hỏa táng trực tiếp cho người dân ngay khi ký hợp đồng hỏa táng. Qua đó góp phần giảm chi phí hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Tỷ lệ người dân lựa chọn hình thức hỏa táng đã tăng từ 6% (trước khi thực hiện chính sách năm 2010) lên 48% năm 2016 và hiện nay là 60%.
 
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Thành phố tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn, đến cuối năm 2019, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo. Để đạt được mục tiêu đó, HĐND Thành phố đã ban hành nghị quyết chuyên đề quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo và hộ gia đình sau khi thoát nghèo ổn định cuộc sống của Hà Nội.
 
“Đây là chính sách rất nhân văn, thể hiện sự cố gắng của chính quyền Thành phố để hỗ trợ những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có khả năng lao động thoát nghèo, đồng thời hỗ trợcác hộ mới thoát nghèo nhưng còn khó khăn để sớm ổn định cuộc sống”, Chủ tịch TP. Hà Nội nhấn mạnh thêm.
Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2019, Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động, sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
 
Bên cạnh đó, các địa phương cần nghiên cứu những mô hình giảm nghèo nhanh, hiệu quả để áp dụng cho phù hợp với đặc điểm của địa phương, nhu cầu của từng hộ nghèo; lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới. UBND các quận, huyện, thị xã cần thường xuyên chỉ đạo, rà soát các hộ nghèo có nhà ở xuống cấp, hư hỏng để tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ kịp thời.
 
Đặc biệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố tới cơ sở cần phát huy vai trò giám sát việc thực hiện các chính sách, kế hoạch giảm nghèo tại các địa phương; tăng cường vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa giúp đỡ địa phương, cộng đồng và các hộ gia đình thoát nghèo bền vững. Các giải pháp, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững cần được thực hiện song song, lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Về chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cấp phần mềm hỗ trợ hỏa táng theo hướng liên thông, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong quá trình giải quyết các thủ tục.
 
Chủ tịch UBND Thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng chính sách hỗ trợ hỏa táng giai đoạn sau năm 2020, trình HĐND thành phố xem xét, thông qua.

Cũng tại Hội nghị, 27 tập thể và 19 cá nhân đã nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vì có thành tích trong công tác thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở hộ nghèo và chính sách hỗ trợ khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng của Thành phố. 

Người đứng đầu Thành phố nhấn mạnh, những nỗ lực, cố gắng của các sở, ban, ngành Thành phố, của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã hội; sự chung tay giúp đỡ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo.
 
Đây chính là nhân tố quan trọng, quyết định giúp Thành phố về đích trước 02 năm Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; hoàn thành kế hoạch hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo và thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng của Thành phố trong những năm vừa qua.

Anh Tuấn