Văn bản - Chính sách

Giải "bài toán" giảm nghèo bền vững

16/05/2019 09:45 SA Xem cỡ chữ
(Mic.gov.vn) - 

Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở vật chất trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo.


19042019vthuy11.jpg

Bộ đội Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 326 cùng người dân xã Mường Và (Sốp Cộp, Sơn La) kiểm tra sự phát triển của cây lúa. Ảnh: Hoàng Giang

Song, kết quả giảm nghèo vẫn còn thiếu tính bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), hộ tái nghèo, hộ nghèo mới phát sinh ở một số nơi còn cao… Điều này đòi hỏi cần thiết kế và thực hiện các chính sách xóa đói, giảm nghèo phù hợp, hiệu quả hơn.

 Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh
Tại cuộc họp mới đây của đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng DTTS, miền núi giai đoạn 2012-2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát Hà Ngọc Chiến cho biết: Thời gian qua, đoàn giám sát đã triển khai giám sát tại 12 tỉnh là: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Lạng Sơn, Nghệ An, Sơn La, Lai Châu, Đắc Nông, Kon Tum, An Giang, Trà Vinh, Hà Giang. Qua thực tế giám sát cho thấy, các chương trình, chính sách giảm nghèo đã huy động sức mạnh, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo nguồn lực to lớn cùng với nguồn lực của Nhà nước thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo trên địa bàn vùng DTTS, miền núi.
 
 
Trực tiếp tham gia đoàn giám sát, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành chỉ rõ, tại một số tỉnh, như: Quảng Ngãi, Lạng Sơn, Quảng Nam, Ninh Thuận… cơ sở hạ tầng thiết yếu gồm trường học, trạm y tế, công trình nước sạch, điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, công trình thủy lợi… được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo ở các tỉnh qua từng năm đều giảm mạnh. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo hằng năm đều tăng (tính đến năm 2018, tỉnh Quảng Ngãi tăng 1,3 lần so với năm 2012; tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2012-2015 tăng 1,6 lần so với giai đoạn trước…).
Tuy nhiên, nhiều thành viên đoàn giám sát cho rằng, tại không ít địa phương, kết quả giảm nghèo thiếu tính bền vững, số hộ tái nghèo, hộ nghèo mới phát sinh ở một số nơi còn cao; tỷ lệ hộ cận nghèo có xu hướng gia tăng. Tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, miền và một số địa phương. Hộ nghèo trong đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ cao, một số DTTS có tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 60%. Nhiều chỉ số về mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, như về chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở có nơi lên đến 60%; đặc biệt, chỉ số thiếu hụt về nhà tiêu hợp vệ sinh có địa phương lên đến hơn 80%...
Chính sách hỗ trợ giảm nghèo còn mang tính bình quân
Đề cập tới nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, các ý kiến đều cho rằng, yếu tố khách quan là do đồng bào DTTS chủ yếu cư trú ở những vùng điều kiện tự nhiên không thuận lợi, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp, địa hình chia cắt; hậu quả của thiên tai, bão lũ làm ảnh hưởng tới đời sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS sinh sống ở vùng sâu, vùng xa…
Tuy nhiên, về nguyên nhân liên quan tới cơ chế chính sách, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry nhìn nhận, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho người dân còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa tính đến các nguyên nhân nghèo của từng đối tượng để có chính sách phù hợp. Cùng với đó, việc phân nhóm ưu tiên, đặc thù, trọng điểm cho vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào DTTS và các đối tượng yếu thế xã hội chưa được cụ thể, chưa phù hợp với từng đối tượng có nguyên nhân nghèo khác nhau; cơ chế phân bổ, giao vốn hằng năm hiện nay chưa tạo được sự chủ động cho địa phương để lồng ghép hiệu quả nguồn vốn và bố trí cho danh mục theo thứ tự ưu tiên…
 Nhìn nhận ở góc độ khác, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Viết Lượng cho rằng, để có giải pháp giảm nghèo bền vững cần nhận định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo khó của một số vùng đồng bào DTTS, do cơ chế chính sách hay do cách triển khai của địa phương. Bởi trên thực tế, một số vùng không thoát khỏi nghèo mặc dù cơ sở hạ tầng đã được đầu tư cơ bản; cùng với đó, ở một số địa phương đang tồn tại nghịch lý “người đã hết nghèo nhưng không muốn thoát nghèo” bởi tâm lý ỷ lại, vẫn muốn hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
 Phân loại hộ nghèo để có chính sách phù hợp
Đề cập tới các giải pháp giảm nghèo bền vững, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Khút Niê đề nghị, thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, từ đó hình thành tinh thần tự chủ, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Còn ông Phan Viết Lượng cho rằng, cần tăng dần các chính sách hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo như phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm.
Nhấn mạnh tới các giải pháp giảm nghèo bền vững, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng cần phân loại hộ nghèo, đánh giá nguyên nhân gây nghèo để có các giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm đạt hiệu quả giảm nghèo bền vững và bảo đảm tính công bằng. Cùng với đó, nhận diện rõ đặc thù, thế mạnh của địa phương để xây dựng mô hình giảm nghèo cho phù hợp.

 

 

Minh Đức